Bầu hồ lô là một thứ quả có hình dạng thật kỳ lạ, miệng nhỏ bụng lớn, tròn trịa đầy đặn, người xưa thường dùng làm đồ đựng nước, rượu, hoặc các linh đơn dược liệu để phục vụ cho những chuyến đi xa. Nhờ tác dụng này, dần dần, quả hồ lô được coi là biểu tượng linh thiêng của sức khỏe và trường thọ.
Ý nghĩa của Hồ lô phong thủy
Quả hồ lô non ăn ngon và ngọt, có tác dụng giải độc, mát gan, bổ dưỡng. Không ai biết hồ lô bắt đầu được trồng từ bao giờ, nhưng cho đến nay, quả hồ lô đã trở nên quen thuộc với con người, không chỉ quen thuộc trong cái ăn thường ngày, mà còn cả trong văn hóa tinh thần. Quả hồ lô đã dần dần thoát thai khỏi cái vỏ tự nhiên, được nhân cách hóa, thần bí hóa, gắn với vô vàn truyền thuyết, thần thoại.
Hồ lô miệng nhỏ bụng lớn, tượng trưng tài lộc đầy kho, chiêu tài nạp phúc. Nhưng công dụng nổi bật nhất của hồ lô chính là tiêu tai hóa bệnh.
Sách phong thủy kinh điển “Tuyết tâm phú” viết: “Hồ lô sơn hiện, thuật số y lưu”. Ý chỉ, nơi nào có ngọn núi hình quả hồ lô, thì nơi ấy ắt có xuất hiện y sư hoặc thuật sĩ cao minh. Từ xưa đến nay, những người làm nghề chữa bệnh, bốc quẻ, xem bói hoặc tướng số đều thích treo hồ lô trong nhà hoặc ở nơi làm việc của mình để mong sự nghiệp thuận lợi suôn sẻ. Quả hồ lô thường dùng để đựng linh đơn diệu dược, là biểu tượng của an lành và sức khỏe. Ý là, nhà có người bệnh, chỉ cần treo trái hồ lô ở bên giường người bệnh, bệnh nặng sẽ giảm, bệnh nhẹ sẽ hết, tinh thần khoan khoái.
Ông Lý Thiết Quải, một trong bát tiên, thường hay mang theo hồ lô bên mình, ông thường dùng thuốc tiên trong quả hồ lô để chữa bệnh cho người nghèo khổ ốm đau. Ông Thọ là một vị thần bất tử, thường mang theo mình trái đào tiên, nấm linh chi và quả hồ lô đựng nước trường sinh. Bởi vậy, hồ lô còn là một biểu tượng của sự trường sinh nữa. Đó là một món quà rất ý nghĩa để tặng người cao tuổi, như lời cầu chúc sức khỏe và trường thọ.
Phật giáo và Lão giáo đều rất xem trọng hồ lô, coi nó là biểu tượng của điềm lành. Hồ lô được dùng làm bình đựng rượu tiên của nhiều vị Phật trong Phật giáo, lọ nhỏ đựng nước cam lộ của Quán Thế Âm Bồ Tát cũng thường có hình dạng giống hồ lô. Trong Lão giáo, hồ lô là pháp bảo trừ tà, hóa giải tà khí, bắt giữ những linh hồn xấu.
Ngoài các công dụng trên, hồ lô còn có thể dùng để cầu mong đường con cái. Hồ lô mọc thành giàn, sai trĩu quả, ruột bầu nhiều hạt, tượng trưng cho con cháu đầy đàn. Trong nhiều truyền thuyết, thần thoại của nhiều địa phương có nhiều câu chuyện với một con người được sinh ra từ quả bầu tiên. Không những vậy, hồ lô vốn là một loại bầu có hoa tự thụ phấn, do vậy nó còn được xem là biểu tượng của sự hài hòa âm dương, tình yêu đôi lứa.
CÁCH ĐẶT HỒ LÔ PHONG THỦY TRONG NHÀ
– Trong trường hợp ban thờ hay giường ngủ, bàn học, bàn làm việc bị dầm nhà đè lên, “tà khí” từ dầm nhà sẽ bay xuống. Ta đặt Hồ lô phong thủy trên ban thờ, đặt trên bàn làm việc hoặc bàn học để hút khí thu sát.
– Trong nhà, nếu vợ chồng bạc duyên, có thể để hồ lô đồng ở đầu giường, những mong nối lại sợi dây tình cảm giữa vợ chồng, vừa có thể mong tình yêu thăng hoa kết trái.
– Có thể treo 3 quả hồ lô tại cung thiên y hoặc cung sinh khí, diên niên sẽ làm cho người trong nhà khỏe mạnh, tinh thần thoải mái, nhất là trong nhà có người mắc bệnh lâu dài.
Quả hồ lô vừa giản dị, gần gũi lại vừa linh thiêng, vừa là một công cụ đắc lực trong cuộc sống thường nhật, lại vừa là biểu tượng tâm linh trong tâm thức mỗi người. Chính vì thế, trong văn hóa phương Đông, hình tượng quả hồ lô vẫn luôn có một sức sống bền bỉ, dai dẳng, suốt hàng ngàn năm qua, gửi gắm ước vọng của con người về một cuộc sống giản dị, bình an, ấm êm, hạnh phúc. Hồ lô phong thủy- phát tài như ý rất thích hợp để làm quà tặng quà biếu hoặc dùng trong phong thủy gia đình.